Dệt May Việt Nam xuất khẩu gần 15 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2013

Hết quý III năm 2013, mặc dù thị trường còn nhiều biến động khó lường, nhưng  ngành DMVN đã bớt âu lo nhờ KNXK đạt 14,8 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2012. Nhân dịp này, ông Lê Tiến Trường  – Phó Chủ tịch Hiệp Hội Dệt May Việt Nam – Phó TGĐ Thường trực Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã chia sẻ với chúng tôi những thông tin nóng về kết quả hoạt động SXKD mới nhất của Ngành cũng như dự đoán thị trường dệt may trong thời  gian tới.

lê tiến trường 2
Ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch Vitas, Phó TGĐ TT Vinatex

 

– Thưa ông, qua 9 tháng năm 2013, kết quả hoạt động SXKD của Tập đoàn Dệt May Việt Nam và ngành Dệt May Việt Nam đạt được như thế nào?

–        – Trong 9 tháng đầu năm 2013 ngành Dệt May Việt Nam (DMVN) đạt KNXK 14,8 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2012. Riêng XK may mặc đạt 13,2 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước. XK xơ, sợi đạt 1,6 tỷ USD, tăng gần 14%. Trong các thị trường chính, DMVN vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tốt. Ví dụ thị trường Mỹ, XK của hàng DMVN tăng 13,8%, thị trường EU tăng 8,7%, thị trường Nhật Bản tăng 19,2%, thị trường ASEAN tăng xấp xỉ 30%, Hàn Quốc tăng 40%. Ở nhiều thị trường mới, DMVN có kết quả tăng trưởng khá trong 9 tháng đầu năm, như Canada tăng xấp xỉ 20%, Úc tăng 39%, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất  tăng 25%, Braxin và Ấn Độ tăng khoảng 30%. KNNK hàng hóa phục vụ cho may mặc XK xấp xỉ 7,5 tỷ USD. Thặng dư từ XK hàng hóa may mặc đạt 7,1 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2013.

Riêng Tập đoàn Dệt May Việt Nam có giá trị SXCN đạt trên 26.000 tỷ đồng, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu đạt hơn 33.000 tỷ đồng, tăng 12%. KNXK đạt 2,3 tỷ USD, tăng trên 12%.det may

– Ông có đánh giá gì về kết quả này?

– Qua kết quả 9 tháng đầu năm 2013, cho thấy mức độ tăng trưởng chung của ngành DMVN là tốt so với tình hình thị trường toàn thế giới. Cụ thể, thị trường Mỹ nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm chỉ tăng khoảng 3% thì DMVN xuất khẩu vào Mỹ tăng tới 13,8 %. Thị trường EU nhập khẩu chỉ tăng 2,4%, DMVN xuất khẩu vào thị trường này tăng đến 8,7%. Thị trường Nhật Bản nhập khẩu không tăng, nhưng DMVN xuất khẩu vào thị trường này tăng tới 19,2%. Hàn Quốc nhập khẩu tăng 9,2%, ta xuất khẩu tăng xấp xỉ 40% vào Hàn Quốc. Ở các thị trường mới, DMVN đều có tốc độ tăng trưởng XKDM lớn hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa của các thị trường này. Điều đó chứng tỏ vị thế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp DMVN được duy trì tương đối ổn định, vững chắc trên thị trường thế giới.

– Được biết, Tập đoàn đã và đang có kế hoạch đón TPP, vậy cho đến thời điểm này, sự chuẩn bị đó đã đi tới đâu, và tạo nên sự thay đổi gì trong phương thức hoạt động của Tập đoàn và các công ty con?

– Về việc chuẩn bị cho kế hoạch đón Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), có thể khẳng định rằng chiến lược của ngành DMVN kể từ trước khi có việc tham gia đàm phán TPP đã luôn luôn đi theo định hướng cải thiện giá trị gia tăng của hàng DMVN. Có nghĩa là phải đi sâu thêm vào khâu sản xuất nguyên liệu, cụ thể phải tăng hàm lượng xơ, sợi, vải đưa vào hàng hóa DMVN. Tăng tỷ lệ nội địa hóa là một chỉ tiêu chúng ta kiểm soát hàng năm. Không phải đến khi có TPP ta mới có chiến lược này, mà chiến lược tiến lên phương thức sản xuất ODM, nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa là chiến lược xuyên suốt của Ngành kể từ năm 2002 trở lại đây. TPP như cú hích có giá trị rất lớn đối với ngành DMVN để thúc đẩy quá trình tăng trưởng tỷ lệ nội địa hóa này nhanh hơn nhịp độ chúng ta thực hiện trong 10 năm qua. Cụ thể, đến giờ phút này hợp lực của cả một chiến lược dài hạn cùng với những tín hiệu sáng sủa của Hiệp định TPP cho thấy sự thay đổi khá nhanh trong tỷ lệ nội địa hóa của hàng hóa DMVN. Hiện nay, DMVN đã đạt ngưỡng xấp xỉ 50% giá trị của hàng hóa may mặc xuất khẩu được tạo nên trong đất nước Việt Nam.

 

– Tới hết quý III năm nay, chiến lược ODM đã được triển khai ra sao, thưa ông?

– Đối với Tập đoàn DMVN, bên cạnh việc đầu tư sản xuất nguyên liệu thì còn tập trung cho khâu thiết kế kỹ thuật trọn gói để có thể tiến tới sản xuất theo phương thức ODM. Trong 6-7 năm trước đây, trong ngành DMVN, kể cả Tập đoàn DMVN, thì việc sản xuất theo phương thức ODM (từ thiết kế kỹ thuật trọn gói tới lo cung ứng nguyên liệu, ra đến hàng may mặc hoàn chỉnh) là gần như con số 0. Đến 9 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ hàng sản xuất ODM đã đạt từ 8-10%, trong đó có những công ty đã có tỷ lệ hàng làm theo phương thức ODM đạt tới 80-90% như Công ty CP Quốc tế Phong Phú. Mô hình mới này cũng đang được triển khai ở Công ty TNHH MTV Dệt 8/3. Đây là những bước đi để phương thức ODM của Tập đoàn được triển khai hệ thống, bài bản hơn, và liên thông thành năng lực cạnh tranh đủ lớn để DMVN có thể cạnh tranh thực sự, hiệu quả trên thị trường.

– Trong quá trình thực hiện những bước đi để đột phá, Tập đoàn có những vướng mắc gì cần đến sự điều chỉnh chính sách?

– Ngành DMVN và Tập đoàn DMVN rất quan tâm đến việc có chính sách quy hoạch hoàn chỉnh cho Ngành DMVN đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, xác định được chính xác quy mô của Ngành đến thời điểm đó, cũng như quy hoạch các địa bàn, các khu vực có thể thực hiện đầu tư dệt may gắn liền với các khu dân cư và nguồn lao động, đặc biệt với ngành may đang thực hiện theo nguyên tắc phân tán tại các địa phương; và đối với ngành dệt, sợi, sản xuất nguyên liệu và các trung tâm thiết kế cần đặt ở trung tâm các tỉnh, các khu vực có nguồn nhân lực khá hơn và đồng thời cũng đòi hỏi xử lý môi trường tốt hơn. Đây là yếu tố mà ngành DMVN rất trông đợi Nhà nước sớm có chính sách quy hoạch ổn định cho Ngành, tương ứng với quy hoạch chiến lược của nền kinh tế cả nước, trong đó có vai trò của ngành DMVN được xác định đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Với những quy hoạch ổn định này thì mới có cơ hội cho ngành DMVN phát triển thực sự ổn định, gắn liền với nguồn lao động và tránh tình trạng thiếu hụt lao động không đáng có, trong khi lực lượng lao động cả nước còn dồi dào, còn nhiều người ở khu vực nông thôn chưa có đủ việc làm. Do ta quy hoạch chưa tốt dẫn đến việc tại các khu đô thị lớn, khu công nghiệp lớn có cảm giác thiếu hụt lao động, hoặc hiện tượng người lao động phải dồn về các đô thị này hình thành những khó khăn về mặt xã hội tại đó.

 

– Ông có kỳ vọng gì vào những kết quả mà toàn Ngành có thể đạt được trong 3 tháng cuối cùng của năm?

– Chúng tôi cho rằng đến giờ phút này hoàn toàn có thể dự báo ngành DMVN đạt KNXK khoảng 19,3-19,8 tỷ USD bao gồm cả xơ, sợi trong năm 2013. Như thế có nghĩa là duy trì được tốc độ tăng trưởng từ 12-15%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng dự báo đầu năm và kế hoạch đăng ký với Chính phủ là đạt tăng trưởng hơn 10% năm nay. Ở các thị trường chính, trong quý cuối cùng của năm, chúng ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng như trong 9 tháng đầu năm.

– Xin ông cho biết những dự đoán của ông về thị trường dệt may thế giới và trong nước trong năm 2014?

– Về thị trường thế giới trong năm 2014, chúng tôi cho rằng thế giới vẫn tiếp tục mức độ tăng trưởng trung bình như năm 2013. Ở các thị trường chính là Mỹ, EU, Nhật Bản, thì mức độ tăng trưởng KNNK hàng hóa dệt may của Mỹ khoảng 2-3%, EU từ 1,5-2,5%, riêng Nhật Bản có thể tăng trưởng 0,5% trong năm 2014. Một số thị trường mới nổi như ASEAN, Hàn Quốc, Canada, Úc có thể duy trì tốc độ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2014.

Đặc biệt, về thị trường trong nước với mức độ tăng trưởng kinh tế nước ta dự báo từ 5,3 – 5,5% trong năm 2014, cho nên hàng hóa DMVN cũng sẽ duy trì mức độ tăng trưởng vừa phải từ 8-10% trong năm tới.

– Xin cảm ơn ông!

Kiều Hậu